Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin bạch hầu là vắc xin có tác dụng chống lại vi khuẩn bạch hầu. Vi khuẩn này tấn công vào cơ quan hô hấp, tạo ra giả mạc màu trắng xám bám vào niêm mạc vùng hầu họng và thanh quản, gây tắc nghẽn đường hô hấp nghiêm trọng.
Hiện nay trên thế giới có hơn 100 quốc gia đã triển khai tiêm ít nhất 5 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván cho trẻ; Việt nam đã chính thức bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo từ 01/8/2024 lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của WHO nhằm tạo miễn dịch lâu dài.
Bạch hầu là bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề, có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch nếu chúng ta không kiểm soát tốt.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Ngành y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm vì yếu tố sức khỏe, phải đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể./. BS Diệu Hương